I. SINH VIÊN SỦ DỤNG ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?
Nếu như vào thời điểm cuối năm 1999, sự xuất hiện của Mobicard, Vinacard đã gây nên cơn sốt dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) trong giới “quýxtộc” trẻ Hà Nội thì đến nay, ĐTDĐ đã trở thành một vật dụng quá quen thuộc và thiết yếu với mọi người như quần, áo, giày, dép.. Tròn giờ ăn trưa tại căng tin trường ĐH Thăng Long ngày thứ Ba/18/5/2004, trong số gần 150 sinh viên qua lại, chuyện trò, ăn uống.. xuất hiện cả thảy 64 chiếc ĐTDĐ, trong số đó 21/64 chiếc được sử dụng để nghe hoặc gọi đi; 34/64 chiếc dùng để gửi tin nhắn hoặc chơi games; số còn lại không “động” cũng chẳng “di”, chỉ trồi lên một khối hình chữ nhật sau lớp túi quần hoặc thò ra một chiếc dây đeo lúc lắc lúc lắc theo nhịp bước chân. Sinh viên Thăng Long dùng ĐTDĐ cũng không nằm ngoài xu hướng chung của xã hội khi mà máy di động của các hãng lớn như Nokia, SAMSUNG, Motorola, Ericsson, Siemens.. liên tục lăng xê những thế hệ điện thoại đời mới nhiều tính năng của mình. Ghi nhận điển hình là trong dịp SEA Games22 và Tết Nguyên đán vừa qua, mạng Vinaphone liên tục bị nghẽn mạch do quá tải số thuê bao sử dụng, hay việc năm 2000 Mobil nâng dung lượng tổng đài VMS Mobilphone từ 200.000 lên 400.000 số thuê bao. Hay việc gần đây dư luận lại xôn xao lên khi VNPT (tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam) khuyến cáo việc giảm cước ĐTDĐ sẽ dẫn đến tình trạng không chỉ nghẽn mạch mà còn mất liên lạc toàn bộ do sập tổng đài, đủ để thấy nhu cầu dùng ĐTDĐ gia tăng khủng khiếp đến mức nào. Trong nhịp sống năng động và hối hả đến chóng mặt này, việc sở hữu một chiếc ĐTDĐ để tiện cho việc liên lạc và giải quyết công việc là rất hợp lý và cần thiết. Thế nhưng, cùng với sự đi lên của kinh tế xã hội, nhu cầu tiêu dùng của con nguời cũng theo đó mà tăng cao. Chiếc ĐTDĐ giờ đây được sử dụng vào rất nhièu mục đích khác nhau. Một phần trong số những sinh viên dùng ĐTDĐ là dành cho công việc (có của hàng kinh doanh hoặc đi làm thêm, đi tham gia các hoạt động xã hội khác v.v..). Một số khác được bố mẹ “trang bị” cho chiếc di đọng để tiện việc quản lí giờ giấc, sinh hoạt.. Điều đáng buồn là phần lớn số sinh viên ngày nay mua sắm ĐTDĐ theo phong trào, vì muốn tỏ ra mình “sành điệu”. Họ sử dụng nó như một thứ mốt mà mình không thể thiếu cho giống mọi người, hoặc chỉ để “bạn bè gọi nhau đi chơi hay đi uống cafe”, hay là chỉ để “anh yêu em”, “em yêu anh”, “miss you like crazy”… tưng bừng trong muc message editor (soạn tin nhắn). Tệ hơn là một số nữa, vì nhu cầu giải quyết khâu “oai” quá cao mà chiếc ĐTDĐ dù đã bị khoá tài khoản vì không còn đủ khả năng “nuôi” nhưng vẫn liên tục được xạc pin, để được đem đến lớp chơi games hay nghe nhạc âm thanh nổi trước mọi nguời. Cũng có nhiều sinh viên con nhà khá giả coi chiếc ĐTDĐ như một vật để trang trí, để làm đẹp cho vẻ bên ngoài của bản thân. Liên tục thay máy đời mới, SIM số đẹp, số chọn.. họ thấy mình “sành điệu” chẳng kém gì ai.
II. SINH VIÊN SỬ DỤNG ĐTDĐ NHƯ THẾ NÀO?
Thực ra, việc mua sắm ĐTDĐ là chuyện cá nhân. Nếu một sinh viên có tiền và muốn đi theo mốt, thì việc họ mua di động cũng không có gì đáng chê trách thái quá. Thế nhưng, vấn đề văn hoá ĐTDĐ trong truờng học mới thực sự cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong giờ học, cả lớp đang tập trung nghe giáo viên giảng bài bỗng giật mình vì tiếng ò e í e.. của chiếc ĐTDĐ đời cũ hay rộn ràng vang lên bản nhạc từ chiếc ĐTDĐ âm thanh nổi đời mới. Cả hai loại này đều có điểm chung là đều làm cắt mạch giảng bài của giáo viên và đổi hoàn toàn hướng tập trung của sinh viên từ bài giảng về phía nơi phát ra âm thanh của chiếc điện thoại. Tất nhiên, sinh viên đó sẽ bị thầy cô giáo nhắc nhở và bị cả lớp nhìn bằng ánh mắt khó chịu. Kể cả khi chiếc điện thoại được đặt chế độ rung, cả lớp cũng sẽ phải ngừng lại một chút cho sinh viên có điện thoại chạy ra ngoài rồi lại ngừng lại thêm lần nữa khi sinh viên đó nghe điện thoại xong và quay vào lớp. Điều này cũng gây ít nhiều khó chịu vì rõ ràng là bài giảng bị gián đoạn đến hai lần. Thế nhưng, chúng ta lại chẳng biết, đúng hơn là chẳng dám phản ứng thế nào khi tiếng chuông “phá đám” kia phát ra từ chiếc điện thoại của.. giáo viên. Thường thì các thày cô giáo ở ĐHTL sẽ tắt ngay điện thoại đi để tiếp tục bài giảng của mình. Nhưng vẫn còn một số thày cô vẫn bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện thoải mái mà không cần biết đến phản ứng của sinh viên ra sao. Thiết nghĩ thầy cô nên là những người gương mẫu ít ra là trước mặt sinh viên. Nếu một giáo viên vì không muốn bài giảng của mình bị gián đoạn mà đã lập tức tắt ngay chiếc điện thoại của mình, các sinh viên sẽ thấy đó để noi theo, bởi trong một tập thể, mỗi chúng ta đều cần tỏ ra tôn trọng những người xung quanh, cho dù mình đang ở cương vị nào trong tập thể đó.
III. KẾT.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới, ĐTDĐ phổ biến đến nỗi người ta chỉ coi chúng như một thứ đồ chơi và chúng được xếp đầy trong các siêu thị. Thế nhưng khi ngồi trong lớp học rất hiếm khi bạn nghe thấy một tiếng chuông điện thoại nào. Thậm chí có trường còn cấm sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Ở Việt Nam thì chưa có lệnh cấm nào ngặt nghèo như vậy mà chỉ dừng ở mức “bị giáo viên nhắc nhở”. Vì thế việc này tuỳ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Sinh viên chúng ta vốn là những người được xã hội coi là tầng lớp trí thức. Sống trong một xã hội văn minh, hãy tỏ ra mình là người có văn hoá, bạn nhé!
Bài viết được thực hiện với sự giúp đỡ của các thành viên: Toi yeu bsb, Phuonganhxinh, Buncha, Williamtell, SVTL. Cảm ơn các bạn rất nhiều!
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: OanhNK, Đã có: 12.006 lượt đọc