Ở thành phố Hà Nội, có một nữ sinh viên mang trong mình nhóm máu Rh âm quý hiếm, nhưng đã 10 lần tình nguyện hiến máu cứu người mà không bao giờ đòi hỏi quyền lợi gì cho mình. Ðó là Ðỗ Thị Thùy Dung, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Thăng Long, Hà Nội.

Nhóm máu Rh âm là một nhóm máu quý hiếm ở nước ta, trong 10.000 người chỉ tìm được… bốn người có nhóm máu này.
Trên trang web http://vnrnc.com (được xây dựng nhằm liên kết những người có nhóm máu hiếm sẵn sàng trợ giúp cộng đồng khi cần), Thạc sĩ Trần Thị Chi, Khoa xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, có viết: Hai năm qua, tại bệnh viện này, chỉ phát hiện được ba người có nhóm máu Rh âm, nhưng nguồn máu Rh âm để dự trữ… vẫn không có. Khi cần cấp cứu người bệnh, bệnh viện phải liên hệ với các trung tâm lớn, như TP Hồ Chí Minh, nhưng rất vất vả và việc vận chuyển máu khó khăn, tốn kém, không kịp cứu sống người bệnh trong cơn nguy cấp. Thực ra, đây không phải là tình trạng của riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa mà là tình hình chung của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khi người có nhóm máu Rh âm quá hiếm và vì vậy cũng rất ít người có nhóm máu này tình nguyện hiến máu.
Ở thành phố Hà Nội, có một nữ sinh viên mang trong mình nhóm máu Rh âm nhưng đã 10 lần tình nguyện hiến máu cứu người mà không bao giờ đòi hỏi quyền lợi gì cho mình. Ðó là Ðỗ Thị Thùy Dung, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Thăng Long, Hà Nội.
Ngay từ khi trở thành sinh viên, Thùy Dung đã là thành viên tích cực của Ðội tuyên truyền và vận động hiến máu nhân đạo thuộc Ðoàn thanh niên nhà trường, dù khi đó chị chưa một lần hiến máu. Dung tham gia vận động các bạn khác với tất cả nhiệt huyết và trái tim trong sáng, vô tư. Hằng ngày, khi các lớp bắt đầu được nghỉ hết tiết học, Dung và các bạn của mình mang tài liệu đi vận động, tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp của hiến máu nhân đạo. Trong một lần đi vận động như vậy, sau khi nói với các bạn trong một lớp học về phong trào hiến máu nhân đạo, bỗng nhiên, có một nam sinh viên đứng lên và hỏi:
– Thùy Dung nói về hiến máu tình nguyện hay như vậy, nhưng bạn đã hiến máu lần nào chưa? Hay là Dung chỉ vận động người khác còn mình thì không làm?
Câu hỏi của người bạn đó đã tăng thêm sức mạnh để Dung lần đầu đến với hiến máu nhân đạo cho dù điều đáng sợ nhất đối với Dung là nhìn thấy… kim tiêm. Khi biết con gái mình đăng ký hiến máu tình nguyện, mẹ của Thùy Dung không tin và nói vui: Mới nghe nói đến kim tiêm đã “sợ phát khóc” thì lấy đâu ra tinh thần mà hiến máu…
Và ngày hiến máu lần đầu đối với Dung là một kỷ niệm không bao giờ quên khi Dung được “đón nhận” nhiều tâm trạng khác nhau: sợ, hồi hộp, căng thẳng và cuối cùng là rất vui vẻ. Thùy Dung càng vui hơn khi trong ngày đó được gặp lại người bạn sinh viên đã đặt cho mình câu hỏi “hóc búa” trong buổi đi tuyên truyền hôm ấy. Người bạn đó cũng đi hiến máu tình nguyện.
Nhưng, sau hai lần hiến máu, Thùy Dung nhận được tin bất ngờ: Nhóm máu của chị có tên Rh âm, một nhóm máu quý hiếm. Vì vậy, các bác sĩ tại Viện huyết học truyền máu T.Ư đề nghị Dung không tham gia hiến máu theo các hoạt động của Ðoàn thanh niên nữa mà trở thành “ngân hàng máu sống đặc biệt”, sẵn sàng hiến máu cứu người khi có điện thoại khẩn cấp.
Từ năm 2003 đến nay, Thùy Dung đã hiến máu hơn 10 lần. Gần đây nhất, Dung hiến máu tình nguyện để dự trữ cho ca phẫu thuật mổ sinh của một người bệnh nước ngoài, chị Gin-gơ Ða-vít. Lần khác, Dung cùng ba bạn khác hiến máu cứu một người bị tai nạn đang phẫu thuật tại Ðà Nẵng. Trò chuyện với chúng tôi, Thùy Dung cho biết: Dung và các bạn có nhóm máu Rh âm luôn trong tư thế sẵn sàng hiến máu để giúp một người bệnh ở xã Mỹ An Hưng, huyện Lập Võ, Ðồng Tháp, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh.
– Là nữ sinh viên nhưng hiến máu nhiều lần như vậy, bố mẹ Dung có ý kiến gì không?
– Thời gian đầu, bố mẹ em không tỏ thái độ gì. Nhưng, sau khi biết em có nhóm máu quý hiếm, bố mẹ đã động viên, khuyến khích em rất nhiều trong việc tham gia hiến máu cứu người. Ðây cũng là nguồn cổ vũ đối với em.
– Vừa hiến máu, vừa tham gia vận động hiến máu, Thùy Dung có gặp nhiều khó khăn không?
– Trong bốn năm qua, em và các bạn trong Ðội đã khuyến khích được khoảng 250 sinh viên trực tiếp hiến máu. Theo em, muốn có nhiều người tham gia hiến máu nhân đạo, cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động. Trước hết, trang bị tốt kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho những người đi tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.
Nói về Ðỗ Thị Thùy Dung, các cán bộ của Viện huyết học truyền máu T.Ư, cho biết: Ðây là một trong những tấm gương xuất sắc, nhiệt huyết nhất phong trào hiến máu nhân đạo của nhân dân và thanh niên thủ đô
ÐAN ANH – Báo Nhân dân
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: OanhNK, Đã có: 4.290 lượt đọc