Nếu là thành viên của diễn đàn Sân chơi Thăng Long trong một thời gian kha khá, hoặc bạn thường xuyên tiếp xúc với các CTV hay các cán bộ Đoàn trong trường ta, hẳn cụm từ “chị Minh thần chết” đã không còn xa lạ gì. Vì chị là một thành viên lâu năm của diễn đàn từ những ngày đầu thành lập. Không chỉ thế, chị còn là cán bộ Đoàn ưu tú nhiều năm của trường ta, được rất nhiều bằng khen, tặng thưởng của TƯ Đoàn,TƯ Hội, Thành Đoàn,Thành Hội, Đoàn trường mà ngay đến chính bản thân chị cũng “tự thú” là không thể nhớ hết.
Để hiểu thêm về chị, chúng tôi đã thực hiện một cuộc trò chuyện nho nhỏ với chị tại văn phòng Đoàn trường. Lúc nào trông chị cũng bận rộn với rất nhiều công việc. Để có được cuộc gặp này, phóng viên của diễn đàn đã phải gọi điện trước để hẹn gặp chị. Và cuối cùng, sau vài lần liên lạc, chúng tôi cũng đã được dịp trò chuyện với chị.
-PV: Chào chị Minh. Đúng như đã hẹn, hôm nay chị có thể dành chút thời gian trò chuyện với CTV của diễn đàn sân chơi Thăng Long không?
-Chị Minh: À, được chứ. Mình đang chờ đây.
-PV: Đầu tiên, chị có thể nói qua một chút về bản thân chị không ?
-Chị Minh: Mình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh ngày 10/12/1980. Mình là sinh viên lớp A12. Hiện tại mình đang giữ chức vụ phó bí thư Đoàn trường.
-PV: Với chức vụ hiện tại thì công tác, nhiệm vụ chính của chị là gì ?
-Chị Minh:Công tác của mình là tương đối toàn diện. Mình và một Phó Bí thư nữa có nhiệm vụ hỗ trợ bí thư Đoàn trường trong việc bao quát các hoạt động của trường vì bạn biết đấy, bí thư Đoàn trường mình là giáo viên, khá bận rộn với công tác chuyên môn nên không có điều kiện sâu sát. Nhưng công việc chính của mình là công tác Đoàn vụ và tổ chức các hoạt động
– PV: Chị làm những công tác đó thì việc học tập của chị được sắp xếp thế nào ? Công tác Đoàn-Hội có làm ảnh hưởng gì đến việc học của chị không ?
– Chị Minh: Nói thật là để vừa sắp xếp các công tác Đoàn, vừa đảm bảo việc học là rất vất vả. Thêm vào đó, vì những lí do cá nhân, thậm chí một số thời điểm, mình phải tạm dừng việc học nên đến giờ vẫn chưa tốt nghiệp được.
– PV: Được biết chị có rất nhiều thành tích trong công tác Đoàn-Hội, chị có thể cho biết bí quyết để chị làm được nhiều công tác Đoàn và thành công như vậy không ?
– Chị Minh: Để nói là bí quyết trong công tác Đoàn thì thật ra chẳng có bí quyết nào cả. Vẫn có câu “Một cây làm chẳng nên non”, công việc nào cũng vậy thôi, thành công được không phải là nhờ vào sự cố gắng nỗ lực của bất kì một cá nhân nào mà đó là thành quả lao động của cả một tập thể. Tổ chức được một hoạt động cần rất nhiều thành viên, bí quyết thành công chỉ là sự kết hợp ăn khớp giữa các thành viên và các bộ phận
– PV: Gia đình chị có tác động thế nào đến việc chị tham gia công tác Đoàn ?
– Chị Minh: Gia đình mình rất khuyến khích mình tham gia các hoạt động Đoàn và hoạt động ngoại khoá. Thật ra, suốt thời phổ thông, mình luôn được bạn bè nhận xét là rất ít tham gia các hoạt động ở trường và mình cũng ít nói nữa. Nhưng từ khi vào ĐH, và nhất là từ khi tham gia vào hoạt động sinh viên tình nguyện, mình đã trưởng thành lên nhiều,phải nói là chính môi trường hoạt động Đoàn-Hội tại trường Thăng Long đã khiến mình được như ngày nay, bởi vậy, gia đình mình hoàn toàn yên tâm cho mình tham gia công tác, chỉ lưu ý là con gái thì nên biết giữ gìn vì đôi khi, vì công tác mình cũng phải đi xa và đi đến mấy ngày.
– PV: Sắp tới Đoàn trường sẽ tổ chức đại hội Đoàn, vậy chị có thể cho biết một vài điều về kế hoạch của Đoàn trường trong năm tới ko ?
– Chị Minh: Sau một thời gian dài hoạt động, Đoàn trường đã gặp phải nhiều khó khăn trong công việc, đặc biệt là về nhân sự trong việc tổ chức hoạt động. Hệ thống quản lý chi đoàn và Đoàn viên của chúng ta rất lỏng lẻo, đến mức chỉ có thể quản lý theo Nhà trường, tức là quản lý theo mã sinh viên.Điều này ảnh hưởng khá lớn đến công tác tổ chức hoạt động cũng như nhiệm vụ của tổ chức Đoàn là quản lý và giáo dục Đoàn viên về ý thức hệ tư tưởng. Về kế hoạch chung cho nhiệm kì tới, BCH dự định thực hiện những công việc sau:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực làm việc, nhiệt tình, năng động, say mê công tác Đoàn, đảm bảo đại diện cho nguyện vọng và tiếng nói của Đoàn viên, sinh viên và đặc biệt phải chú trọng bố trí đúng người, đúng việc .
2. Đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện, không chỉ tình nguyện trong công tác xã hội, vì cộng đồng mà còn tình nguyện thi đua, phấn đấu trong học tập và công tác nghiên cứu khoa học.
3. Củng cố, phát triển những hoạt động hiện nay đi kèm với xây dựng, tổ chức những phong trào, hoạt động mới phù hợp nhằm lôi cuốn, thúc đẩy sinh viên tham gia những sân chơi lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh tư tưởng trong sinh viên.
4. Xây dựng lại hệ thống chi đoàn và Liên chi đoàn cơ sở nhằm quản lý tốt Đoàn viên thông qua việc tăng thêm mối liên kết qua lại giữa BCH ĐoànTN-Hội SV trường với chi đoàn và Đoàn viên.
– PV: Theo chị, hoạt động Đoàn nhiệm kỳ 2002-2004 cũng như BCH Đoàn trường đã làm việc ra sao và có những ưu, khuyết điểm gì ?
– Chị Minh: So với nhiệm kỳ 2, BCH Đoàn trường nhiệm kỳ 3 đã cố gắng rất nhiều. Số lượng hoạt động đã tăng gấp đôi, đặc biệt là các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút được đông đảo sinh viên tham gia và hưởng ứng. Ngoài ra, việc có riêng một văn phòng Đoàn cũng là một tiến bộ rất lớn. Cho đến bây giờ thì văn phòng Đoàn đã thực sự trở thành một điểm đến của sinh viên khi cần. Nhưng tất nhiên, bên cạnh những thành công đó cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót, trong đó, thiếu sót lớn nhất là công tác tổ chức quản lý hệ thống chi đoàn và Đoàn viên không duy trì được khi sinh viên bắt đầu vào năm thứ hai trở đi do chế độ học tín chỉ của chúng ta không đảm bảo được đơn vị lớp. Từ đó, công tác rèn luyện và phát triển Đoàn viên của chúng ta không thực hiện được. Tiếp đó là khâu nhân sự. Từ trước đến nay, nhân sự BCH được phát hiện chủ yếu thông qua hoạt động phong trào, công tác sinh viên tình nguyện và đội ngũ cán bộ lớp và phần lớn mang yếu tố đánh giá cá nhân; khi tiến hành tổ chức Đại hội mới bắt đầu tìm, nhân sự không được trải qua thử thách và đào tạo nên không phải cán bộ nào cũng đáp ứng được yêu cầu của công tác, có khi còn gặp lúng túng, vướng mắc khi tổ chức hoạt động, cần phải được tập huấn và bồi dưỡng kĩ năng, nhưng khi đã có kinh nghiệm thì lại hết nhiệm kì hoặc là sinh viên năm cuối không tiếp tục tham gia hoạt động được, phải xin rút, BCH lại không tiến hành kiện toàn được kịp thời gây nên việc thiếu nhân sự. Tất cả những yếu tố đó đã khiến cho một số hoạt động không được thành công như mong muốn cũng như không đáp ứng được đòi hỏi của Đoàn viên, sinh viên.
– PV: Vậy theo chị, để khắc phục những khuyết điểm mà nhiệm kỳ trước đã mắc phải, cán bộ Đoàn nhiệm kỳ tới cần làm những gì ?
– Chị Minh: Qua thực tiễn hoạt động và sau khi rút kinh nghiệm, đến nay BCH Đoàn TN-Hội SV đã đánh giá được tầm quan trọng trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực trước khi xây dựng BCH nhiệm kì mới. Kể từ năm học 2004-2005,mỗi năm, BCH Đoàn-Hội sẽ tiến hành tổ chức thi tuyển CTV. Những bạn trở thành CTV của BCH đều là những người đã qua các vòng thi tuyển, được đánh giá là những người nhiệt tình và có năng lực. Các CTV được tham gia đào tạo và tập huấn nghiệp vụ, công tác, đồng thời được trực tiếp tham gia tổ chức và hỗ trợ tổ chức các hoạt động, tích góp kinh nghiệm để góp phần hình thành một lực lượng ứng trực khi xây dựng và kiện toàn nhân lực cho BCH. Ngoài CTV, BCH Đoàn trường dự kiến sẽ để Đoàn viên được tự do đề cử, ứng cử vào danh sách bầu cử BCH Đoàn trường nếu cảm thấy đáp ứng được điều kiện. Như vậy, Đoàn viên,sinh viên sẽ có nhiều lựa chọn trong việc tìm ra những người xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình,cũng như có thể trực tiếp tham gia đóng góp cho hoạt động
– PV: Vậy các cán bộ Đoàn được đề cử và ứng cử kỳ này là những người như thế nào ? Đã có danh sách bầu cử chưa ?
– Chị Minh: Về danh sách bầu cử thì mới có danh sách do BCH Đoàn giới thiệu, mang tính chất định hướng. Trước đại hội, Đoàn viên, sinh viên hoàn toàn có thể đề cử hoặc tự ứng cử vào danh sách bầu cử. Sau đó BCH sẽ họp và thông qua ý kiến bên phòng giáo vụ cùng các giáo viên chủ nhiệm vì UVBCH phải đảm bảo về tư cách đạo đức, học lực và năng lực hoạt động. Tiếp đó, danh sách bầu cử trích ngang sẽ được niêm yết lấy ý kiến Đoàn viên, sinh viên trước khi đưa ra trước đại hội để duyệt một lần nữa rồi mới tiến hành bỏ phiếu kín. Thậm chí ngay trong đại hội, các đại biểu vẫn có thể đề cử hoặc ứng cử nhưng tất nhiên đại biểu và Đại hội sẽ phải xem xét số lượng trong danh sách bầu cử để tránh sự phân tán về số phiếu. Sở dĩ phải hạn chế vì tiêu chuẩn để một uỷ viên trúng cử là phải được quá bán số phiếu bầu. Nếu quá nhiều người tham gia tranh cử, số phiếu sẽ bị chia nhỏ, dẫn đến khả năng không đủ số lượng uỷ viên đạt quá bán thậm chí xảy ra trường hợp xấu nhất đó là không có ai trong số những người tham gia danh sách bầu cử đạt được quá bán số phiếu bầu, dẫn đến phải bầu lại, rất phức tạp, mất thời gian và ảnh hưởng đến tâm lý đại biểu cũng như người được bầu cử. Ở nhiệm kỳ trước, đại hội của chúng ta có một điều thành công đó là số phiếu rất tập trung, chứng tỏ các uỷ viên BCH rất được các đại biểu tín nhiệm. Nhưng ở kì ĐH trước, số Đoàn viên đề cử và tự ứng cử không nhiều, danh sách bầu cử cũng không được niêm yết lấy ý kiến rộng rãi trước Đại hội, đó cũng là một hạn chế đối với sinh viên vì họ không được trực tiếp tham gia vào công tác lựa chọn người đại diện cho mình mà phải thông qua các đại biểu. Vì vậy, BCH Đoàn trường rất hi vọng tất cả Đoàn viên, sinh viên trường có thể nhiệt tình tham gia đề cử, ứng cử và đóng góp ý kiến để lựa chọn ra một BCH được mọi người tin tưởng nhất và xứng đáng nhất.
– PV: Những sinh viên muốn được đề cử và ứng cử vào danh sách bầu cử BCH cần phải làm gì ?
– Chị Minh: Để được đề cử và tự ứng cử, trước hết, sinh viên cần đáp ứng được những tiêu chuẩn sau:
+ Phải là Đoàn viên chính thức, có sinh hoạt và nộp sổ Đoàn tại trường.
+ Có ý thức tổ chức kỷ luật.
+ Có lối sống lành mạnh, trong sáng.
+ Có năng lực xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động.
+ Có thành tích xuất sắc trong công tác và học tập, được Đoàn viên và sinh viên tín nhiệm.
+ Là đại diện cho nguyện vọng và tiếng nói của thanh niên trong trường.
Khi đã đạt được đầy đủ những tiêu chuẩn trên thì Đoàn viên có thể đề cử hoặc ứng cử vào danh sách bầu cử BCH Đoàn trường. Lấy mẫu hồ sơ tại văn phòng Đoàn trường kèm theo một sơ yếu lý lịch chi tiết, giấy chứng nhận kết quả học tập có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm hoặc phòng giáo vụ, 2 ảnh 3×4. Gửi hồ sơ đề cử, ứng cử về văn phòng Đoàn trước ngày 25/1/2005.
– PV: Chị có thể cho biết cơ cấu BCH lần này như thế nào ? Có bao nhiêu phần trăm là K17 ?
– Chị Minh: Theo dự kiến của BCH Đoàn, lượng UV K17 kỳ này tương đối lớn, từ 30-40%, vì đây là những sinh viên sẽ có thời gian hoạt động dài nhất, có điều kiện hoạt động đến cuối nhiệm kì, có nghĩa là có điều kiện cống hiến nhiều nhất và ít biến động nhất.
– PV: Chị có nghĩ rằng mình sẽ trúng cử làm bí thư trong nhiệm kỳ tới không vì đã rất nhiều năm chị làm công tác Đoàn trường rồi nhưng toàn giữ các vị trí Phó như Phó Chủ tịch hay Phó bí thư ?
– Chị Minh: Mình không có ý định tham gia danh sách bầu cử nhiệm kỳ 2005-2007. Thứ nhất, Chi uỷ Đảng, BGH Nhà trường luôn định hướng cho người đảm nhiệm vị trí Bí thư phải là một giáo viên để có điều kiện hoạt động lâu hơn và bao quát hơn. Thứ hai nữa là mình già rồi,cũng sắp tốt nghiệp, phải có nhiệm vụ rút lui. Và cuối cùng, điều quan trọng nhất là các bạn trẻ hơn, có điều kiện, khả năng, tài năng và thậm chí là mức độ nhiệt tình, năng động đều hơn hẳn mình, chắc chắn mình không thể vượt qua được.
– PV: Chị có ý kiến gì về hoạt động của trang web sân chơi Thăng Long không ?
– Chị Minh: Mình là một trong những Mod của diễn đàn sân chơi Thăng Long từ những ngày đầu thành lập. Diễn đàn đến nay đã phát triển rất nhiều với những chuyên đề khá hay chỉ có điều do chưa có điều kiện nên chưa hoàn thiện được. Nhưng đó là một trang web bổ ích, là tiếng nói của chính sinh viên Thăng Long, qua đó, sinh viên có thể tìm hiểu, cung cấp thông tin, giao lưu và tranh luận.
– PV: Đại hội Đoàn trường sắp diễn ra rồi, vậy chị có lời nhắn nhủ gì muốn nói với BCH Đoàn trường khoá IV nhiệm kỳ 2005-2007 ?
– Chị Minh: Mình chỉ muốn nói rằng là một cán bộ Đoàn-Hôi thì cần phải thực hiện cho đến cùng nhiệm vụ của mình một cách có trách nhiệm. Nếu đã được Đoàn viên tín nhiệm bầu vào BCH thì nên hoạt động tích cực cho đến hết nhiệm kỳ và làm đúng bổn phận là người đại diện cho Đoàn viên, nhiệt tình, hết mình vì sinh viên, đặt lợi ích của Đoàn viên sinh viên lên hàng đầu.
– PV: Cảm ơn chị đã dành thời gian quý báu để thực hiện cuộc phỏng vấn này. Và thay mặt cho Đoàn viên, thanh niên trường Thăng Long cũng xin cảm ơn chị đã luôn tận tuỵ với công việc, nhiệt tình trong công tác, đảm bảo quyền lợi cho Đoàn viên sinh viên trong trường. Chúc chị luôn mạnh khoẻ và đạt được nhiều thành công trong tương lai.
– Chị Minh: cảm ơn các bạn!
Các bạn Đoàn viên, sinh viên Thăng Long thân mến, sau cuộc trò chuyện với chị Minh, hẳn các bạn đã hiểu thêm nhiều điều về chị, người có biệt danh “thần chết” nhưng không hề “thần chết” chút nào, trái lại, chị còn rất cởi mở. Qua những điều chị nói, chắc các bạn cũng thấy được những khó khăn của các cán bộ làm công tác Đoàn trong trường. Đồng thời, BCH Đoàn trường cũng đã “bật đèn xanh”, mở ra cơ hội cho các bạn được đề cử bạn bè, những người bạn tin tưởng hoặc bản thân bạn cũng có thể tự ứng cử vào danh sách bầu cử BCH Đoàn trường nhiệm kỳ tới nếu bạn cảm thấy mình hay bạn mình xứng đáng. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác Đoàn của trường mình vì nó đảm bảo tính công bằng, dân chủ, công khai và đem lại quyền lợi cho chính các bạn, những Đoàn viên, sinh viên của Đại học Thăng Long.
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: OanhNK, Đã có: 3.502 lượt đọc