
Cô Nguyên: Cảm ơn các em đã chia vui với cô. Suốt mấy ngày qua cô đều nhận được những lời chúc từ các bạn sinh viên và các đồng nghiệp là các thầy cô giáo trong trường, cô cảm thấy rất vui. Không phải vui vì mình đã đạt được danh hiệu tiến sĩ đâu. Thực sự là sau khi bảo vệ luận án thành công xong, cô cũng cảm thấy bình thường thôi, không có gì là xúc động như mọi người nghĩ. Nhưng được mọi người chúc mừng thì cô thấy rất vui vì có nhiều người quan tâm, chia sẻ với mình. Điều đó mới thực sự đáng quý.
PV: Vậy để đạt được tấm bằng tiến sĩ, hẳn là cô đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, viết luận văn phải không ạ ? Cô có thể kể cho chúng em biết một chút về quá trình nghiên cứu của cô được không ạ ?
Cô Nguyên: Quá trình nghiên cứu và làm luận văn của cô hết khoảng 4 năm, tính từ lúc bắt đầu học, làm đề cương cho đến khi hoàn thành. Bao gồm khoảng 2 năm vừa nghiên cứu vừa lập đề cương, sau đó viết luận án khoảng 2 tháng rồi mất 1 năm tiếp tục nghiên cứu và chỉnh sửa để hoàn thành và cuối cùng là làm thủ tục giấy tờ, tất cả là khoảng 4 năm. Thực ra nói là 4 năm thì thấy là dài nhưng trong thời gian mình làm thì lại không có cảm giác gì vì hàng ngày cô vẫn đi dạy, vẫn làm những công việc bình thường nên hầu như không cảm thấy thời gian đó có gì khác cả. Chỉ đến khi xong rồi, nhìn lại mới thấy nó dài thôi. Hơn nữa thời gian đầu khi mình chưa tìm được hướng đi thì còn thấy chuệch choạc nhiều thứ và mất thời gian chỉnh sửa chứ khi định hướng được con đường nghiên cứu của mình rồi thì bắt tay vào viết và tập trung thì thấy rất nhanh thôi.
PV: Công việc giảng dạy, nghiên cứu chiếm khá nhiều thời gian của cô như vậy thì cô sắp xếp công việc gia đình thế nào để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình ạ ? Gia đình cô có tạo điều kiện cho cô có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu không ạ ?
Cô Nguyên: (Cô cười rất tươi) Nhà cô thuê ôshin. Trước kia thì cô ôshin đó chỉ có bằng thạc sĩ thôi, bây giờ thì lên tiến sĩ rồi. Hàng ngày cô ấy vẫn phải làm mọi việc trong gia đình như bao phụ nữ khác thôi. Cô nói đùa đấy. Thực ra thì cũng chẳng biết nói thế nào. Nếu bảo là cô khéo sắp xếp thời gian thì cũng không phải. Cô chẳng sắp xếp gì cả. Mọi việc cứ tuần tự đến và cô làm theo đúng thứ tự đến của nó. Cô ở trường dạy cả ngày, buổi trưa thì đảo qua nhà một lát nấu nướng rồi lại đến trường. Chỉ có sau 5h30 là hết giờ làm việc thì cô về nhà và không đi đâu ra khỏi nhà cả, làm cái công việc mà như bao phụ nữ đã có gia đình khác vẫn làm thôi. Cũng chăng có gì đặc biệt ở cách sắp xếp thời gian hay gì cả đâu.
PV: Bây giờ cô đã là tiến sĩ rồi, cô có dự định gì như là mong muốn đạt được một học vị nào cao hơn hay là một bằng cấp quốc tế nào không ạ ?
Cô Nguyên: Ở Việt Nam thì học vị cao nhất là Tiến sĩ khoa học, nhưng cô chưa có dự định là sẽ đạt đến học vị đó. Một phần vì cô chưa có điều kiện, thứ hai nữa là cô muốn quay lại với công việc hiện tại của mình ở trường. Cô muốn phát triển khoa tiếng Anh hơn nữa, tạo nhiều điều kiện cho các em sau khi ra trường có việc làm ngay. Ngoài ra cô cũng muốn đi sâu nghiên cứu Ngôn ngữ học, phát triển việc nghiên cứu khoa học trong trường và có thể là sẽ cho ra đời nội san cho trường mình. Còn về việc đạt được bằng quốc tế thì cô cũng chưa nghĩ đến. Đúng là nếu có trong tay một tấm bằng quốc tế thì sẽ thuận lợi hơn nhiều cho công việc nhưng có lẽ là khả năng không cho phép. Vì em biết đấy, muốn có bằng quốc tế là phải ra nước ngoài học tập và nghiên cứu nhưng với điều kiện gia đình cô thì cô không thể đi được. Nếu như có một cơ hội nào đó bỗng nhiên rớt xuống tay thì có lẽ là cô sẽ còn cân nhắc nhưhg hiện tại thì cô không nghĩ đến.
PV: Em nghe nói ngoài cô ra, cũng có một số giảng viên khác trong khoa có dự định học tiến sĩ. Vậy các cô có thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu với nhau không ạ ?
Cô Nguyên: Khi học ở cấp bậc tiến sĩ, trình độ học vấn đòi hỏi ở mức chuyên sâu và mỗi người xác định cho mình một hướng nghiên cứu riêng, không giống nhau nên việc trao đổi với nhau cũng rất khó. Có thể với chuyên ngành nghiên cứu của người này người kia không hề biết gì và ngược lại nên dù muốn trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau trong nghiên cứu cũng không thể được. Chỉ có những bài học kinh nghiệm mà mỗi người từng trải qua là có thể trao đổi với nhau. Chẳng hạn như cô để ý thấy bất cứ ai sau khi làm xong luận án tiến sĩ đều có một đức tính rất cẩn thận. Điều này được rèn luyện trong quá trình họ viết luận văn, phải thận trọng trong từng câu chữ, từng dấu chấm phẩy nên họ rèn được đức tính cẩn thận. Ngoài ra cách cư xử với những người dưới, có thể là nhân viên cấp dưới học với học trò, với người kém tuổi, kém cấp bậc, họ đều cư xử thoáng hơn, rộng rãi hơn. Nói thế không có nghĩa là từ giờ trở đi cô sẽ dễ dãi với các em đâu nhé (cô cười rất hiền) mà là cô sẽ cố gắng thông cảm với các em nhiều hơn, trong mức độ cho phép.
PV: Dạ vâng. Bọn em cũng chỉ dám mong thế thôi ạ. Còn một điều nữa là em thấy rất nhiều sinh viên khen ngợi cô, quý mến cô và bảo là cô dạy hay. Kể cả những sinh viên năm thứ nhất được cô dạy Phát âm (Pronunciation) cũng đã rất ấn tượng về cô. Cô nghĩ sao ạ ?
Cô Nguyên: Chuyên ngành của cô không phải là dạy Pronunciation mà cô thường dạy Ngữ pháp của English 3 – 4 hoặc giai đoạn chuyên ngành. Cô cũng dạy cả môn Writing (Viết), Ngữ dụng và Business Communication (Tiếng Anh giao tiếp doanh nghiệp). Nhưng thỉnh thoảng cô cũng dạy Pronunciation. Và cô cũng không biết nói sao về việc các sinh viên nghĩ về cô như vậy. Cũng may là các em không ghét đấy. Chứ thường thì sinh viên thích các cô giáo trẻ tuổi, xinh xắn lại tâm lý với các em chứ ai thích mấy bà già như cô, vừa khó tính lại hay nói nhiều, nói hết phần các em (Cô cười phá lên).
PV: Ôi, cô cứ nói thế chứ bọn em sao dám nghĩ về các cô như vậy ạ. Chúng em rất cảm ơn cô vì đã dành thời gian nói chuyện với chúng em hôm nay. Một lần nữa chúng em chúc mừng cô, cô đã trở thành giảng viên đầu tiên của tổ bộ môn tiếng Anh đạt học vị tiến sĩ. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 sắp tới, chúng em thay mặt các sinh viên Thăng Long kính chúc cô cũng như tất cả các thầy cô trong trường sức khoẻ dồi dào, công tác tốt để từng ngày dìu dắt chúng em nên người ạ.
Cô Nguyên: Cảm ơn các em.
Với trình độ chuyên môn cao, khả năng sư phạm tốt, lại luôn tươi trẻ với nụ cười thường trực trên môi, thật dễ hiểu vì sao cô lại được nhà trường tín nhiệm giao phó chức vụ tổ trưởng tổ bộ môn tiếng Anh của trường. Và càng dễ hiểu hơn khi cô được rất nhiều sinh viên trong trường yêu mến, kính trọng đến thế. Nếu bạn là sinh viên khoa tiếng Anh chắc chắn bạn sẽ được học cô ít nhất một lần trong đời sinh viên tại trường và hãy kiểm nghiệm những lời chúng tôi nói. Bởi thật sự, trước khi cô được nhà nước trao bằng tiến sĩ với công trình nghiên cứu xuất sắc của cô thì cô đã là một “nữ tiến sĩ” trong lòng mỗi học trò của cô ở ngôi trường Thăng Long này rồi.
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: OanhNK, Đã có: 4.485 lượt đọc