Diễn đàn sinh viên Đại học Thăng Long, nơi trao đổi học tập, giao lưu, giải trí, thư viện đề thi của sinh viên.

Home » Phỏng vấn » Hiệu phó ĐHTL, Tiến sĩ Đặng Kim Nhung

Hiệu phó ĐHTL, Tiến sĩ Đặng Kim Nhung

Là sinh viên trong trường không ai là không biết đến cô, một Phó hiệu trưởng nhà trường, luôn tận tình với sinh viên,luôn được sinh viên yêu quý.Cô là ai?Cô là Tiến sỹ Đặng Kim Nhung.

-PV: Em chào cô! Trước hết, em xin cảm ơn cô vì đã dành thời gian cho Gương mặt trong tuần được phỏng vân cô.

-Cô Đặng Kim Nhung (C.ĐKN): Không có gì!
– PV: Thưa cô, với tư cách là Hiệu phó phụ trách đào tạo của Đại học Thăng Long, xin cô cho biết những ưu và nhược điểm của phương pháp học tín chỉ mà trường ta đang áp dụng.
-C.ĐKN: Phương pháp học theo tín chỉ là một phương pháp còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển. Hiện nay, trên thế giới, việc học theo niên chế là rất xa lạ, cũng giống như Việt Nam còn xa lạ với học theo tín chỉ. Phương pháp học theo tín chỉ có khả năng phân biệt giữa sinh viên giỏi và sinh viên kém rất rõ, đây là ưu điểm đầu tiên của phương pháp này. Có những sinh viên sau 3 năm đến 3 năm rưỡi đã có thể ra trường nhưng cũng có những sinh viên sau 5 năm, 6 năm thậm chí 7 năm mới có thể ra trường. Ưu điểm thứ hai của phương pháp học theo tín chỉ đó là phương pháp này quản lý chặt chẽ đến từng đầu sinh viên. Nhà truờng có thể nắm rõ điểm số, tiến trình học của tất cả các sinh viên. Ưu điểm thứ ba của phương pháp này, đó là sinh viên có thể học để lấy từ 2 đến 3 văn bằng cùng một lúc. Nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên có thể lấy được nhiều văn bằng nhất trong một thời gian ngắn nhất và với chất lượng cao nhất. Về nhược điểm của phương pháp học theo tín chỉ thì có thể nói tóm lại như sau. Thứ nhất, khi áp dụng phương pháp này thì khối lượng công việc phải quản lý của nhà trường tăng lên rất lớn. Nếu như trong phương pháp học theo niên chế lấy đơn nguyên là lớp thì trong phương pháp học theo tín chỉ lấy đơn nguyên là một sinh viên. Như vậy có thể thấy với một trường đại học với khoảng gần 4.000 sinh viên như trường ta thì việc quản lý theo cách trên một cách chặt chẽ và hợp lý sẽ khó khăn như thế nào. Nhược điểm thứ hai của việc học theo tín chỉ đó là phương pháp này sẽ gây khó khăn rất lớn cho những sinh viên học yếu, đặc biệt là đối với những sinh viên không có tính chủ động trong học tập. Những sinh viên thuộc dạng này sẽ gặp nhiều bất lợi trong quá trình đăng kí học. Nếu như các em học qua các môn đúng tiến độ thì việc đăng kí học sẽ rất dễ dàng , nhưng nếu bị trượt nhiều môn học thì các đó sẽ là một gánh nặng thật sự đối với các em vì có những môn học chỉ mở vào 1 hoặc 2 lần trong một năm học. Đối với những môn này, các em sẽ phải chờ đến năm học sau mới đăng kí được và do đó điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ học và thời gian ra trường của các em.
-PV: Thưa cô, nhà trường đã có những biện pháp gì để khắc phục những khó khăn trên?
-C.ĐKN: Quan điểm của nhà trường là luôn cố gắng để khắc phục những điểm yếu và phát huy những mặt mạnh của việc học tín chỉ. Để quản lý một cách có hiệu quả một khối lượng công việc như trên, nhà trường đã lập ra hẳn một phòng Quản lí Sinh viên để thực hiện những công việc như: Thu tiền học và các loại phí của sinh viên, trả các loại giấy tờ như phiếu điểm, thời khoá biểu, phiếu báo thi và theo dõi sự chuyên cần của sinh viên. Trong học kì hai, năm học 2003-2004 này nhà trường đã thử nghiệm việc đăng kí học qua mạng để giảm sự vất vả cho cả sinh viên lẫn cán bộ nhà trưòng. Đối với những sinh viên học yếu thì nhà trường đã có hẳn một bộ phận để theo dõi, quản lý tình hình học tập của các em này. Một bộ phận quản lý sinh viên học yếu một cách chặt chẽ, chi tiết như vậy thì không phải trường đại học nào cũng có. Nhà truờng cũng đã tiến hành phân giáo viên chủ nhiệm đối với mỗi chuyên ngành của từng khoá để tư vấn, định hướng cho sinh viên trong quá trình học tập. Đối với sinh viên học khá thì nhà trường luôn cố gắng tập hợp những sinh viên này lại, tạo điều kiện cho các em ra trường sớm với 2 đến 3 văn bằng trong tay. Các sinh viên này cũng sẽ là lực lượng giúp đỡ các sinh viên học yếu.
-PV: Xin cô cho biết quan điểm của Hội đồng quản trị cũng như Ban giám hiệu trong việc thu hút lượng học sinh phổ thông vào học tại trường sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học?
 -C.ĐKN: Đại học Dân lập Thăng Long là đại học đầu tiên của toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa. Trong suốt 15 năm vừa qua, Đại học Thăng Long chỉ phát triển chứ chưa bao giờ dừng lại và phát triển một cách hết sức bền vững. Quan điểm của nhà trường là không đi vào quảng cáo nhiều mà sẽ quảng cáo bằng chính chất lượng đào tạo của trường. Vừa qua nhà trường có thực hiện đề tài nghiên cứu về thực trạng sinh viên Thăng Long sau khi ra trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy gần 100% sinh viên Thăng Long ra trường có việc làm ngay và phần lớn trong số đó có việc làm theo đúng chuyên ngành học của mình. Đây là một kết quả hết sức thuyết phục và tôi nghĩ rằng nó hơn mọi lời quảng cáo. Tôi muốn nói thêm rằng ở đây nhà trường không phải là không quan tâm đến việc quảng cáo cho mình mà muốn quảng cáo bằng chính sức mạnh thật sự của mình, bằng những thông tin chính xác và mang tính thuyết phục.
-PV: Cô có thể cho một vài thông số minh hoạ cho chất lượng của đội ngũ giáo viên hiện giảng dạy tại trường?
-C.ĐKN: Trong tổng số 23 giáo viên thỉnh giảng của bộ môn Tin đảm nhiệm khoảng 55 đến 60% số giờ giảng thì có 21 giáo viên có trình độ tiến sĩ trở lên và có 5 người là giáo sư. Với bộ môn Toán thì trong 14 giáo viên thỉnh giảng thì 100% có trình độ thạc sỹ trở lên và 12 trong tổng số 14 người có trình độ tiến sỹ trở lên. Như vậy có thể nói, đối với khoa Toán – tin nhà trường đã xoá bỏ được tình trạng cử nhân dạy cử nhân hiện đang tồn tại ở rất nhiều trường đại học. Với đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường thì tôi có thể khẳng định rằng trong vòng một năm nữa cũng sẽ xoá bỏ hoàn toàn tình trạng cử nhân dạy cử nhân ở cả khoa Kinh tế lẫn khoa Toán – tin. Riêng đối với khoa Tiếng Anh thì do đặc thù của khoa này nên học vị của giáo viên không đòi hỏi cao như hai khoa còn lại.
-PV: Xin được hỏi cô một câu hỏi mang tính riêng tư một chút. Ngoài công tác tại Đại học Thăng Long thì cô còn tham gia công tác giảng dạy ở những nơi nào nữa không?
-C.ĐKN: Ngoài công tác với Thăng Long thì tôi còn tham gia giảng cao học Hà Lan cho Đại học Kinh tế quốc dân, cao học Việt-Đức cho Đại học Bách Khoa. Bên cạnh đó, còn một mảng công việc chiếm khá nhiều công sức của tôi đó là hoạt động nhân đạo. Tôi đã tham gia các hoạt động này được hơn tám năm nhằm giúp đỡ các trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
-PV: Trong quá trình tiếp xúc với sinh viên của các trưòng đại học, cô có nhận xét gì về sinh viên Thăng Long?
-C.ĐKN: Đã là sinh viên thì em nào cũng đáng yêu hết, nhưng sinh viên Thăng Long có một nét riêng, đó là các em rất hồn nhiên vì các em được sống trong một môi trường rất lành mạnh và trong trẻo. Thêm nữa, sinh viên Thăng Long khá chủ động trong các công việc. Có lẽ là bởi vì các em khá được tôn trọng khi học tập tại trường. Song, bên cạnh đó, sinh viên Thăng Long còn có một nhược điểm, đó là các em chưa ý thức được hết những gì mà các em được hưởng khi học tại ngôi trường này. Duờng như các em hơi bị thiếu các nguồn thông tin để so sánh, tham khảo với các trường đại học khác.
-PV: Cô có lời khuyên gì dành cho sinh viên Thăng Long?
-C.ĐKN: Lời khuyên mà cô muốn gửi tới tất cả sinh viên đó là các em hãy học hết mình, sống hết mình, hãy tận dụng tối đa những ưu thế, những cơ hội mà nhà trường đã dành cho mình. Khi các em có nguyện vọng, ý kiến gì chính đáng, các em cứ phát biểu. Nhà trường luôn luôn lắng nghe các em.
-PV: Em xin cám ơn cô về buổi phỏng vấn này. Xin chúc cô hạnh phúc, mạnh khoẻ và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống!
 

Tin đăng bởi: , Đã có: 77.962 lượt đọc

3 Responses to " Hiệu phó ĐHTL, Tiến sĩ Đặng Kim Nhung "

  1. TỪ ĐÌNH TRẤN viết:

    Đáng tiếc là Tôi đã 75 tuổi rồi mà đang có hai cháu nội sinh đôi bây giờ mới 10 tuổi-không biết có hưởng được phúc chứng kiến sau 8 năm nữa hai cháu mình thi được vào TĐHTL danh giá này ko đây?
    TỪ ĐÌNH TRẤN
    trandinhtu43@gmail.com.vn

  2. TRANTUS viết:

    TU DINH TRAN LA TRAN DINH TU day!Hay lien he voi Tu qua sm:01236022704 nhe!

  3. TRAN DINH TU viết:

    Gia ma gap duoc Kim Nhung,
    Thoa long mong uoc nho Nhung bao ngay./.

Leave a comment