* Mình tên là Trần Bích Thuỷ, hiện là sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Thăng Long, lớp AJ16A3, mã sinh viên của mình là A06403. * Mình sinh ra ở Thái Nguyên. Mình được hơn 1 tuổi, đã biết xúc cơm, biết bibô rồi thì một cơn sốt bại liệt khiến mình không thể cử động chân trái. Sau đó mình bị liệt cả chân phải rồi tay phải, tức là liệt nửa người. 6 tuổi, mình ở trong trung tâm trẻ khuyết tật, 11 tuổi mình bắt đầu đi học lớp 1. Nghị lực á? Mình chỉ thấy thật sự may mắn vì được đi học. Đôi lúc nhìn bạn bè chạy nhảy chơi đùa cũng hơi buồn. * Hồi nhỏ, tôi ghê gớm lắm, đi ra đường ai nhìn tôi xăm xoi là tôi nói ngay:”Nhìn gì?”. Lớn lên tôi thấy: chẳng cần thế, mình sống cuộc sống của mình cơ mà, thế là tôi kệ họ. Học cấp ba ở Hà Nội, buổi đầu chán nản, bỡ ngỡ nhanh chóng qua đi, những người bạn đã giúp tôi hoà đồng, thoải mái để tiếp tục việc học trung học. * Thi đại học, mình đăng kí thi Bách Khoa nguyện vọng 1. Trượt bách Khoa, cũng buồn 12 năm học…Được sự động viên của gia đình, mình quyết định nộp hồ sơ vào nguyện vọng 2, Đại học Dân lập Thăng Long. Mình gọi điện đến trường gặp một thầy trẻ, không biết có phải thử lòng kiên trì của mình hay không mà khẳng định rằng:” Em không thể theo học được trường này đâu.”. Câu nói đã làm cho mình cảm thấy tự ái , mình khóc và nói rằng mọi người học được thì mình cũng học được. Hẳn giờ này Thầy đã thấy điều đó đang diễn ra. * Khó khăn nhất đối với mình là đi lại, mình sợ trời mưa, những hôm mưa, đường đi cầu thang rất trơn.Chắc chắn còn nhiều khó khăn phía trước nhưng mình không bỏ cuộc đâu. * Bên cạnh mình còn gia đình và bạn bè. Trong gia đình bố có ảnh hưởng nhất đến mình, bố nói ít thôi nhưng mình hiểu bố.Mẹ là người giúp đỡ mình nhất.Học ở Thăng Long mình thấy thoải mái, các bạn chào hỏi, quan tâm làm mình vui. À, mà các bác bảo vệ vui tính nhỉ? J * Mình có tham gia câu lạc bộ sinh viên Khuyết tật, 33B Phạm Ngũ Lão, thành viên là những sinh viên đang học ở Hà Nội như sinh viên khuyết tật trường Phương Đông, Bách khoa, Xây dựng, có cả những vận động viên Paragames. Hàng tháng mọi người gặp gỡ, trò chuyện với nhau, thông tin cho nhau về những cơ hội việc làm, tổ chức đi tuyên truyền thể dục thể thao cho người khuyết tật. * Giờ thì mình tin tưởng vào tương lai. Một cô bạn mình cũng tật nguyền, tốt nghiệp lớp 12, biết ngoại ngữ dù không có bằng cấp đã được nhận vào bệnh viện Việt Pháp. Tối thiểu mình cũng có thể có công việc tương đương. * Mình không thích người khác nghĩ rằng người khuyết tật không làm được gì. Trong hoàn cảnh khó khăn thì người ta phải tìm cách để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đó bằng biện pháp này hay biện pháp kia để mà tồn tại, để mà hoà nhập. Liệt tay phải thì mình còn tay trái. Liệt chân trái mình còn chân phải, còn kẹp sắt cơ mà. Điều mà những người khuyết tật chúng mình luôn mong muốn là được mọi người nhìn nhận như những người bình thường khác. Nó làm cho chúng mình thấy tự tin hơn. Vì thế chúng mình luôn cố gắng để làm mọi việc của mình. * Mình rất buồn khi nghe có những doanh nghiệp còn cho rằng: “thà đóng thuế cho nhà nước còn hơn thuê nhân công là người khuyết tật”. Họ thường loại hồ sơ bọn mình ra ngay khi đọc được 2 chữ: khuyết tật. Khuyết tật nhưng năng lực để đáp ứng cho công việc đó có khuyết tật không? Mình mong các nhà tuyển dụng hãy đánh giá bọn mình theo cách này, và cho bọn mình một cơ hội thể hiện! **********************
Tôi đã ghi lại lời tâm sự trên của bạn Trần Bích Thuỷ , sinh viên năm thứ nhất khoa Anh Nhật doanh nghiệp của trường mình. Bạn thích học tiếng Nhật và bạn học rất giỏi môn này.Bạn và những người khuyết tật khác đã, đang cố gắng vươn lên trong cuộc sống khắc nghiệt, chính những nghị lực này làm cho sự sống có ý nghĩa hơn. Cám ơn các bạn
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: PhuongNL, Đã có: 3.501 lượt đọc