..Tên bạn tôi bảo đang choáng với cái chị gì được những 5 điểm 10 trên 5 môn học trong danh sách “Chạy đua chất xám”…
Buổi họp mặt sinh viên giỏi năm học 2006-2007, cô Hiệu phó Đặng Kim Nhung đọc lên một cái tên khiến cả hội trường xôn xao: Nguyến Thị Hải Yến, sinh viên khoá 16 khoa Quản lý. Không xôn xao sao được khi biết rằng người có cái tên ấy đang sở hữu một bảng điểm với trung bình 9,2 điểm chuyên ngành.
Một lần khác, tên bạn tôi bảo đang choáng với cái chị gì được những 5 điểm 10 trên 5 môn học trong danh sách “Chạy đua chất xám”. Và, tất nhiên, là cái tên đáng khâm phục kia.
Đọc những lí do này, chắc hẳn bạn đã hiểu vì sao mà tôi lại quyết tâm phỏng vấn chị ấy đến thế. Nhưng con đường đi tìm người hiền cũng lắm gian truân, đến phòng Quản lý sinh viên hỏi mới biết chị Yến kì này chẳng học môn nào ở trường cả, các cô lại còn bảo thế này là ra trường rồi. Đang tiu nghỉu vì chưa nghĩ ra cách nào để liên lạc thì một chị xinh xắn đứng bên cạnh quay lại hỏi tôi và bảo có biết nhân vật của chúng ta nhưng lại không có số điện thoại, có hề gì, từ đầu mối này tôi chắc chắn sẽ tìm bằng được “nhân vật chính”.
Cuối cùng, như các bạn thấy đấy, bài phỏng vấn đã sẵn sàng trước mắt bạn đọc của Sân chơi sinh viên Thăng Long. (Bật mí là tôi cũng vừa mới biết được chị Yến sẽ lại sắp đến trường ta thường xuyên, để đi dạy học!)
– PV: Quả thật là bất ngờ nhưng không ngạc nhiên khi biết chị được giữ lại trường làm giáo viên, vậy chị đã chuẩn bị trước tinh thần cho việc này chưa?
> NHY: Cũng có đôi lúc, ngày xưa mình nghĩ là nếu mà trường có tuyển giáo viên thì sẽ ở lại.
– PV: Chị có thích làm giáo viên không?
> NHY: Có, phải thích thì mới ở lại chứ!
– PV: Lúc này chị đã sắp được bước lên bục giảng chưa?
> NHY: Ồ chưa đâu, mình đang đi thực tế ở phòng Thanh toán quốc tế của chi nhánh Agribank Nam Hà nội, đi làm thực tế thì có gì khúc mắc cũng được chỉ bảo nhiều.
– PV: Chị tốt nghiệp ngành kế toán, lại thực tế ở ngân hàng, vậy sau này chị sẽ giảng dạy chuyên về mảng nào?
> NHY: Uhm, thiên hướng là về Tài chính-Ngân hàng nhiều hơn.
– PV: Từ lúc được cô Nhung “thông báo”, chị đã phải vượt qua những bước như thế nào để được chính thức ở lại?
> NHY: Thì mình đi thi thử thôi, cùng đợt có mình và một chị nữa cũng là sinh viên trường mình. Bài thi có kiểm tra về tiếng anh và năng lực chuyên môn.
– PV: Theo chị đánh giá thì bài thi có khó lắm không?
> NHY: Cũng phải đủ khả năng để phân loại.
– PV: Vậy khi nào thì chị chính thức đi làm ở trường ?
> NHY: Khoảng 4, 5 tháng nữa! Trước hết là mình phải giảng thử, chuẩn bị các bài giảng như là giảng trên lớp thật để các cô duyệt trước đã. Rồi sau đó thì mới giảng cho sinh viên.
– PV: Chị có đặc biệt thích cách giảng của thầy cô nào ở trường mình không?
> NHY: Cách giảng thì mỗi người có cái hay riêng và đều đáng để mình học tập.
– PV: Theo như em thấy, chị đã chuyển cách gọi các cô giáo thành các chị, vậy có lẽ nên tập gọi chị là cô giáo thôi! Khi chuyển vai trò từ một sinh viên thành một giảng viên thì chị khác hẳn, không còn vẻ rụt rè của sinh viên nữa!
> NHY: Uh, chắc cái đấy là được nhiều nhất.Lúc đầu thì cũng ngại lắm, toàn những người dạy mình cả mà, tự nhiên lại đổi cách xưng hô, cứ ngượng ngượng thế nào í. Lúc được tuyển thì mình vẫn chưa tốt nghiệp, còn học 1 kỳ nữa, hồi đó mình đi học lớp chị Nhung, ngại cực! Sau thì tiếp xúc mọi người rồi quen thôi.
– PV: Sau tất cả, chị có thấy hồi hộp khi chuẩn bị làm một người thầy?
> NHY: Mình thấy lo nhiều hơn là hồi hộp.
– PV: Nếu chị đã quyết định làm giáo viên thì có nghĩa là chị tin vào bản thân rồi đúng không?
> NHY: Ừ, cũng có thể nhưng mà khi mà bắt tay vào công việc thực sự thì lo nhiều hơn.
– PV: Chị có sợ là giáo viên trẻ thì sinh viên dễ bắt nạt không?
> NHY: Mình không nghĩ là bị bắt nạt đâu, vì mình học bao nhiêu năm ở trường rồi nên thấy sinh viên khá là ngoan, có nề nếp kỉ luật tốt.
– PV: Đó là chị chưa học khoa toán tin đấy thôi! 😉
> NHY: (Cười)
– PV: Còn một điều này em cũng thấy lạ, chị học Chuyên đề tốt nghiệp thay vì làm Luận văn, cách có thể chứng tỏ năng lực của mình hơn?
> NHY: Bởi vì làm luận văn thì lâu quá. Lúc đó mình không biết nhà trường có đợt tuyển nên nghĩ là thôi, học chuyên đề ra cho nhanh. Tâm lý sinh viên học lâu thì muốn ra trường nhanh để xin việc mà.
Làm luận văn hay học chuyên đề thì cũng tuỳ quan điểm thôi, không phải để chứng minh năng lực hay không đâu.
– PV : Vâng, đúng thế, bằng chứng là bảng điểm cao chót vót của chị, điểm trung bình tích luỹ chuyên ngành là 9,22 còn đại cương là 8,43. Và trong đó có tới 19 điểm 10 môn chuyên ngành.Vâng, quả là đáng khâm phục, và khi gặp một người có kết quả học tập đáng nể như chị thì chắc chắn không thể không hỏi về kinh nghiệm cũng như phương pháp học tập rồi, chị có thể chia sẻ với bạn đọc được không ?
> NHY : Cũng chẳng có phương pháp gì đặc biệt đâu, đi học về thì động qua sách vở một chút thôi. Phương pháp học là học bài và làm bài đầy đủ, nếu mà khó thì đầu tư suy nghĩ tìm ra cách giải, không suy nghĩ được thì chờ hôm sau cô chữa nhưng phải xem lại, chỗ nào thấy thắc mắc thì lại hỏi.
Còn đọc trước tài liệu thì hầu như chỉ nhớ được một phần vì thực ra mình không có nhiều thời gian. Cứ đi học cả ngày, tối còn xem lại bài cũ rồi lại đọc bài mới nữa thì không đủ thời gian. Khi đọc trước thì mình có thể định hình được bài học sắp tới, không ai đọc một lần là có thể nhớ ngay được nhưng mà khi bắt đầu vào bài giảng thì không phải là chưa biết gì cả.
Tuỳ vào từng môn thì mình cũng hay xung phong lên làm bài, đó là một cách để được điểm cộng.
– PV : Vậy một ngày thì trung bình chị dành bao nhiêu thời gian cho việc học ?
> NHY : Mình không quy định rõ, thường là trên 3 tiếng.
– PV: Ngoài thời gian học ra chị có dành hẳn một khoảng thời gian để chơi không?
> NHY: Thì mình cũng thỉnh thoảng đi chơi với bạn bè thôi, đi uống café hoặc đi xem fim chẳng hạn. Thường thì là lúc nào hứng lên thì đi chơi lúc đấy thôi. Theo cảm hứng í mà.
– PV: Còn việc nhà, có được ưu tiên gì không ạ?
> NHY: Dưới mình còn 1 em trai nữa, cả hai chị em chị hầu như không phải làm gì nhiều, mẹ mình cũng quan tâm lắm.
– PV: Trong cuộc sống hàng ngày, có ai đó ảnh hưởng đặc biệt đến chị không?
> NHY: Có, đó chính là mẹ mình.Khi học về căng thẳng, chán chán nhưng mà nhìn thấy mẹ thì mình lại cảm thấy thoải mái hơn. Mẹ hỏi han và động viên mình rất nhiều.
– PV: Có hỏi han chuyện tình cảm không chị?
> NHY: Chả cần hỏi thì mình cũng tự kể.Mẹ mình rất tâm lý, không bao giờ bắt buộc mình làm bất cứ việc gì, thấy con học mệt quá thì giục đi ngủ. Mẹ không bao giờ đặt ra mục tiêu là con phải như thế này hay như thế khác cả, cũng không so sánh mình với bất cứ ai hay tạo ra một áp lực nào. Kể cả đi chơi hay làm gì, mẹ cũng tin tưởng, điều này càng làm cho mình khâm phục mẹ hơn và cố gắng hơn.
– PV: Vâng, cảm ơn chị đã trả lời rất cởi mở những câu hỏi của em.
> NHY: Không có gì đâu. 🙂
Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi xin nick ym của chị với lời hứa sẽ gửi bài cho chị “duyệt”, thấy tôi ngạc nhiên vì cái nick, chị bảo “Từ nghĩa hán việt của tên chị í mà. Tên này hơi bị đặc biệt đấy, chị đặt tên này không bao giờ bị trùng, độc nhất vô nhị luôn!” rồi cười rất chi là…ranh mãnh.
Ấn tượng để lại trong tôi về Nguyễn Thị Hải Yến là một cô gái chững chạc, nghiêm túc, nhưng đôi khi lại rất hồn nhiên, và nhiệt tình nữa. Chúc chị sẽ thực hiện được những điều chị còn đang ấp ủ !
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: HuongMT, Đã có: 4.780 lượt đọc
có ai biết nick chị Yến k? e muốn xin 🙂