Như chúng ta đã biết, trong tháng 11 có một ngày lễ lớn, đó là ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây không chỉ là ngày để chúng ta chúc mừng các thầy cô mà còn là dịp để thầy trò trường ta giao lưu, củng cố mối quan hệ và tình cảm gắn bó. Nhân dịp này, nhóm BEDPAN chúng tôi đã có buổi nói chuyện với thầy giáo Nguyễn Hữu Đăng, hiệu phó Nhà trường, ngay tại văn phòng của thầy. Sau những lời thăm hỏi thân mật, chúng tôi đã được thầy cho biết rất nhiều thông tin bổ ích. Dưới đây là bài tường thuật buổi nói chuyện đó.
– Phóng viên(PV): Thưa thầy, đầu tiên thầy có thể cho chúng em biết rõ hơn về công tác hiện tại của thầy cũng như thâm niên làm việc của thầy ở trong trường không ạ ?
>Thầy NHĐ: Thầy hiện nay là hiệu phó, bí thư chi bộ của nhà trường. Thầy làm việc ở trường từ tháng 8 năm 2000. Hiện tại, theo sự phân công của Nhà trường, thầy phụ trách nhiều việc như là công tác thi cử, tuyển sinh, theo dõi đạo đức tư cách của sinh viên, giúp Nhà trường về công tác đoàn thể quần chúng như: Công Đoàn, Đoàn TN, Hội SV, công tác xã hội, trật tự trị an, an ninh chính trị.
– PV: Thầy là bí thư chi bộ Đảng của Nhà trường vậy chắc thầy đã có kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động của chi bộ Đảng nhà trường ạ?
>Thầy NHĐ: Chi bộ Đảng của Nhà trường được thành lập năm 2001. Tháng 8 năm 2001 Nhà trường tổ chức Đại hội chi bộ Đảng lần thứ nhất. Lúc đó mới có năm Đảng viên. Nhưng đến Đại hội Đảng lần thứ hai thì đã có 18 Đảng viên, trong đó kết nạp được 3 Đảng viên trong đội ngũ giáo viên và cán bộ của Nhà trường. Hi vọng ở nhiệm kì tới, chi bộ Đảng trường ta sẽ phát triển nhiều hơn, đội ngũ Đảng viên đông hơn, và được mở rộng ra cả sinh viên và giáo viên trẻ.
– PV: Nghĩa là Nhà trường định tăng cường đội ngũ Đảng viên trẻ phải không ạ?
>Thầy NHĐ: Nhà trường cũng rất muốn có nhiều Đảng viên trẻ năng động để phát triển các hoạt động của chi bộ Đảng trong trường. Nhưng Đảng có một nguyên tắc đó là lấy chất lượng làm trọng. Những sinh viên trẻ được kết nạp Đảng phải là những người có ý chí, học lực khá giỏi. Sau đó phải trải qua quá trình rèn luyện và xét lý lịch. Do vậy những sinh viên mong muốn được kết nạp Đảng sẽ phải hết sức cố gắng. Còn đối với giáo viên thì đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên, cán bộ thì phi là cử nhân. Vì thế, những sinh viên, cán bộ, giáo viên trong trường muốn vào Đảng cần nỗ lực phấn đấu.
– PV: Ngoài hoạt động của chi bộ Đảng trong trường, thầy còn phụ trách về Đoàn TN và Hội SV của trường nữa phải không ạ ? Vậy thầy nhận xét thế nào về những hoạt động của Đoàn trường mình hiện nay ạ?
>Thầy NHĐ: Các hoạt động của Đoàn – Hội trường Thăng Long đã có truyền thống từ nhiều năm. Hai tổ chức này không hoạt động tách biệt mà có mối quan hệ gắn bó với nhau. Tuy nhiên, trong các công tác thì Đoàn và Hội trường ta luôn có sự phân công nhiệm vũ rõ ràng để hoạt động đồng nhịp, không tạo nên mâu thuẫn. Nhìn chung, Đoàn – Hội chúng ta đã có nhiều mặt hoạt động tốt. Tuy nhiên, những hoạt động này cần có bề sâu và cần cố gắng hơn.
– PV: Vậy các hoạt động của Đoàn – Hội trường ta nhằm hướng đến mục tiêu gì và nó đã tạo ra được cho sinh viên một định hướng tốt trong việc phát triển đời sống tinh thần lành mạnh chưa ạ?
>Thầy NHĐ: Mục đích của Đoàn – Hội, kể cả mục tiêu của Nhà trường là đào tạo những sinh viên tốt cả về học tập lẫn thể trạng, đạo đức một cách thực chất, chứ không phải tốt trên giấy tờ, để khi các em bước vào cuộc sống, các em có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình dù trong bất cứ lĩnh vực nào. Để đạt được mục tiêu này thì có nhiều hình thức. Ví dụ như với Nhà trường là tổ chức việc học hành, thi cử nghiêm chỉnh, theo dõi đạo đức của các em, kể cả việc xét thôi học cũng là một hình thức giáo dục để sau này các em trưởng thành hơn. Đoàn và Nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc hoạt động hướng đến mục tiêu trên. Tuy nhiên, các hoạt động vẫn cần có chiều sâu hơn nữa. Các em cũng có thể thấy, mỗi một lần thi, những em vi phạm quy chế đều bị cấm thi. Đoàn và Hội đã giúp những em này như thế nào, đó mới là chiều sâu của hoạt động Đoàn. Nếu các em xem cái đó, các em thấy động lòng, thấy mình cũng cần phải có một chút trách nhiệm gì đó thì các em hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nhà trường có những biện pháp riêng của Nhà trường nhưng Đoàn – Hội – Đội cũng cần phải có biện pháp riêng. Nếu chúng ta dửng dưng thì như thế hoạt động Đoàn chưa có chiều sâu. Trong danh sách những em bị cấm thi, ta cần phân loại ra những ai vì học yếu, ai vì không có tiền đóng nên bị cấm thi. Biết được rồi thì ta mới đưa ra kiến nghị với Nhà trường, giúp Nhà trường tìm ra biện pháp là nên thế này hay nên thế kia. Đó là hoạt động có chiều sâu. Còn không thì mới chỉ là hoạt động bề nổi mà xưa nay chúng ta cũng đã từng có rất nhiều thành tích. Những hoạt động bề nổi là những hoạt động quan trọng nhưng những hoạt động chiều sâu tức là những việc làm kia cũng rất quan trọng. Bây giờ, hoạt động Đoàn – Hội trường ta đã bước sang một giai đoạn mới bởi chúng ta đã tự khẳng định được mình qua những hoạt động như xung phong tình nguyện, giúp đỡ các địa phương trong hè, tổ chức các CLB ….. Nhưng đó mới chỉ là những hoạt động mang tính sở thích, chủ yếu là rơi vào những em có học lực khá trở lên. Còn những em học yếu thì sao ? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế đó. Nhà trường rất khuyến khích các hoạt động của Đoàn – Hội – Đội hướng đến mục tiêu đi sâu tìm hiểu, giúp đỡ các em này.
– PV: Vậy nói về vấn đề học tập, em muốn hỏi thầy một chút đó là nhà trường đã có những chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa các thầy cô và sinh viên trong trường để đôi bên có thể nói lên những mong mỏi và nguyện vọng của mình chưa ạ? Em nghĩ những buổi giao lưu đó sẽ tạo mỗi liên hệ mật thiết giữa thầy và trò để sinh viên có thể nắm rõ hơn những ưu thế trong chuyên môn của các thầy cô, qua đó, thầy trò hiểu nhau hơn, việc giảng dạy và học tập sẽ tốt hơn ạ.
>Thầy NHĐ: Khoảng gần hai năm nay, Nhà trường xét thấy việc học của chúng ta là theo tín chỉ nên lớp không ổn định, trừ năm thứ nhất. Thành thử, sau khi học tín chỉ, các em không có tổ chức chặt chẽ. Vì thế phản ánh, nguyện vọng của các em cũng bị hạn chế. Vậy nên Nhà trường đã có một vài biện pháp khắc phục. Một là thông qua chương trình học của cô Nhung, cô thường lồng ghép lấy ý kiến của sinh viên phản ảnh, những nguyện vọng, nhận xét đối với công tác của Nhà trường. Thông qua nhận xét này, các em cũng nói đến đội ngũ cán bộ cơ hữu của nhà trường phục vụ cho sinh viên. Như vậy các thầy cô trong phòng giáo vụ, phòng quản lý sinh viên, hành chính tổng hợp phục vụ các sinh viên tốt hơn trước, thái độ và cách tiếp cận với những vấn để của sinh viên cũng tốt hơn. Hai là nhà trường đã bắt đầu làm hệ thống giáo viên chủ nhiệm. Những lớp học gần nhau về chuyên môn thì tạo ra một lớp có giáo viên chủ nhiệm, giúp các em có thể phản ảnh nguyện vọng của mình thông qua những lớp và giáo viên chủ nhiệm đó. Nhưng cái này nhà trường chưa làm được nhiều. Ba là nhà trường luôn sẵn sàng nghe ý kiến từ hòm thư góp ý của các em. Cuối cùng, đối với những em học yếu, nhà trường có một cô giáo là cô Thu, chuyên phụ trách các em thuộc diện xét thôi học, gặp gỡ gia đình, phụ huynh và các em. Vì thế số lượng sinh viên bị buộc thôi học ở mỗi học kì, sau khi qua một thời gian thử thách lại thoát thỏi diện XT để trở lại đội ngũ sinh viên học hành nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ, nếu chúng ta tích cực khai thác những biện pháp đấy thì cũng sẽ giảm lượng các em buộc thôi học vì nếu để các em trở lại, Nhà trường cần các em phi học với đúng thực chất. Nhà trường rất khắt khe trong chuyện xin điểm, mua điểm, bán điểm. Thầy cô nào vi phạm cũng đều bị xử lý. Sinh viên thi không nghiêm chỉnh cũng bị xử lý. Muốn để công việc này hoàn thành tốt, chúng tôi cần một hệ thống theo dõi và giúp đỡ. Tôi rất mong Đoàn tham gia tích cực vào việc này. Kể cả là tìm những sinh viên năm cũ học giỏi, phụ đạo, giúp đỡ các em lớp dưới còn bỡ ngỡ để các em vượt qua khó khăn. Được thế thì Nhà trường rất khuyến khích. Cho dù việc này là hơi mất thì giờ, Nhà trường sẵn sàng dành một khoản kinh phí để bồi dưỡng các em phụ đạo. Vì thầy nghĩ những em học giỏi còn đi làm gia sư thì bây giờ thay vì làm gia sư, các em giúp bạn. Điều đó vừa có lợi cho Nhà trường, vừa có lợi cho các em.
– PV: Bây giờ thầy cho phép em hỏi một câu hỏi ngoài lề chủ đề học tập một chút ạ. Nhóm BEDPAN là một nhóm các sinh viên trong trường tập hợp lại để xây dựng và duy trì một trang web cho trường. Thầy nhận xét gì về những hoạt động của nhóm này và sự tồn tại của trang web do nhóm lập ra? Thầy có ủng hộ các hoạt động của nhóm không ạ ?
>Thầy NHĐ: Nhà trường luôn ủng hộ các hoạt động của các em về mọi mặt, miễn sao nó nhằm đến mục đích là xây dựng nhà trường và phong trào TN – SV thật tốt. Các em cứ nhớ mục đích hoạt động là như thế thì dù các em làm những việc nhỏ đến những việc lớn Nhà trường cũng ủng hộ. Còn những hoạt động nằm ngoài mục đích đó, nhà trường sẽ không ủng hộ vì mình đến trường là để học. Học thì phải học giỏi. Rèn luyện, vui chơi giúp tình thần thoải mái cũng là để đầu óc được tỉnh táo và học hành tốt hơn. Đối với trang web của các em, lúc đầu là tự phát, sau cũng được nhiều bộ phận và Nhà trường ủng hộ. Sau này các em đã đi vào nề nếp hoạt động là động viên các sinh viên học tốt và phê phán những điều chưa tốt còn tồn tại trong Nhà trường như là việc căng tin hay gì đó, các em có quyền phản ảnh. Nhưng cái phản ảnh đó làm sao đạt đến mục đích đã nói ban đầu là được. Tránh tình trạng các em làm không đúng để Nhà trường phải tham gia góp ý là các em nên thế này, cần thế kia. Trường hợp sinh viên Bùi Thị Thanh là một điều nhà trường cần quan tâm, nhắc nhở để các em không đi sai mục đích ban đầu. Khi các em lập trang web, 1 tờ báo điện tử thì cần đạt hai mục đích. Về nội dung nó phải đạt được nội dung giáo dục chung, phải có những tin tức bổ ích cho người truy cập, khuyến khích những điều có lợi cho sinh viên và loại trừ những điều không có lợi cho sinh viên. Về công nghệ, tờ báo đó phải đẹp, thu hút được người xem, tốc độ phải nhanh, nhiều tin tức cập nhật. Như vậy trang web của các em mới duy trì và phát triển được lâu dài. Nói chung, chỉ cần các em nhớ và làm theo mục tiêu tôi đã nói thì nhà trường luôn ủng hộ các em.
– PV: Thay mặt nhóm BEDPAN, chúng em cảm ơn thầy đã quan tâm đến nhóm và ủng hộ hoạt động của nhóm. Em xin hỏi một câu cuối cùng. Sắp đến ngày 20/11, thầy có mong mỏi gì ở sinh viên trong trường nói chung và sinh viên khoá 17 nói riêng không ạ ?
>Thầy NHĐ: Nói đến mong mỏi của các giáo viên đối với học sinh, sinh viên của mình thì không có mong mỏi nào hơn là các em hãy học tập thật tốt, rèn luyện đạo đức và thể chất tốt để sau này làm những con người có ích cho xã hội và bản thân các em trở nên thành đạt. Đó luôn là mong mỏi lớn nhất của thầy cô đối với tất cẩ các em. Còn riêng với khoá 17 thì thầy thấy rất mừng là điểm đầu vào của các em khoá 17 năm nay khá cao. Đó là một dấu hiệu đáng mừng cho những lớp sinh viên sau này của trường, chất lượng học tập của các em đã tăng lên. Vậy thầy cũng như tất cả những giáo viên, cán bộ trong trường mong rằng những em khoá 17 sẽ tiếp tục duy trì và phát huy năng lực học tập của mình để kế thừa, xây dựng và phát triển truyền thống học tập của trường Thăng Long. Các khoá trước học đã tốt rồi, thì những khoá sau hãy học tốt hơn nữa, để trường Thăng Long của chúng ta ngày càng phát triển, và nâng cao về chất lượng học tập.
– PV: Là một sinh viên khoá 17, em xin đại diện cho các bạn khoá 17 hứa với thầy rằng chúng em sẽ nỗ lực hết sức để học tập thật và tham gia thật tốt các hoạt động của Nhà trường, không phụ lòng mong mỏi của thầy cô trong trường. Chúng em cảm ơn thầy đã dành một khoảng thời gian quý báu để trò chuyện với chúng em. Chúng em xin kính chúc thầy và toàn thể các thầy cô, cán bộ trong trường luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và công tác tốt ạ ! Bài viết của chúng tôi xin được dừng lại ở đây. Hi vọng các bạn đã tìm được những thông tin bổ ích từ bài viết này. Hoặc ít nhất nó cũng đem lại cho các bạn những suy nghĩ, trăn trở về việc học tập và tham gia các hoạt động tập thể trong trường.
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: HuongMT, Đã có: 4.074 lượt đọc