Diễn đàn sinh viên Đại học Thăng Long, nơi trao đổi học tập, giao lưu, giải trí, thư viện đề thi của sinh viên.

Home » Phỏng vấn » Thầy Nguyễn Hồng Cẩm, người cựu chiến binh trên bục giảng

Thầy Nguyễn Hồng Cẩm, người cựu chiến binh trên bục giảng

Sinh viên khoa Toán Tin trong trường không ai là không biết thầy Cẩm, một giáo viên giản dị, hết lòng với học trò. Nhưng ít ai biết rằng ngoài việc là một giảng viên đại học, thầy còn là một cựu chiến binh, sống sót sau những năm tháng khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị. Cũng như người đồng môn Nguyễn Văn Thạc – tác giả cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” (Khoa Toán Cơ – ĐHKHTN – 1970), khi hoà bình lập lại, thầy trở về với một khát khao lại được tiếp tục cống hiến sức lực trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Và rồi chúng ta có được một giảng viên đáng kính – thầy giáo Nguyễn Hồng Cẩm – như hôm nay.
thayCam
Để nối tiếp loạt bài về các thầy cô trong trường Thăng Long, phóng viên của website Sân chơi Thăng Long đã có buổi trò chuyện với thầy Cẩm và có cơ hội được biết thêm nhiều điều về thầy.

– PV: Thưa thầy, lời đầu tiên em muốn nói là em xin được thay mặt toàn thể sinh viên trong trường kính chúc thầy và các thầy cô khác trong trường luôn dồi dào sức khoẻ nhân tháng kỷ niệm 17 năm thành lập trường. Và em cũng rất cảm ơn thầy đã bớt chút thời gian để em có cơ hội được nói chuyện nhiều hơn với thầy.
– Thầy Cẩm: Cảm ơn em.
– PV: Thưa thầy, em được biết thầy từng là sinh viên ưu tú của trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHKHTN) và đã có thời gian giảng dạy tại đó, vậy vì lý do nào mà thầy lại trở thành giảng viên của trường Thăng Long ạ ?
– Thầy Cẩm: Thầy đã từng giảng dạy ở (ĐH KHTN) 8 năm và nhận thấy có nhiều bất cập ở đó. Chế độ quan lieu bao cấp làm con người ở đó bị trì trệ, không phát huy được khả năng của mình. Giáo viên đi làm chỉ mong hết giờ để họ được về sớm và đến cuối tháng thì lĩnh lương với mức lương định sẵn. Vì thế ở đó thiếu đi sự nhiệt tình và trách nhiệm nghề nghiệp. Do đó thầy quyết định nghỉ dạy và ra đi làm ở ngoài. Ban đầu là làm cho một công ty máy tính sau thì được mời về giảng dạy ở trường cho đến tận bây giờ. Môi trường làm việc ở công ty tư nhân và trường Thăng Long, 1 trường dân lập khiến người ta luôn muốn làm một điều gì đó, cạnh tranh hơn, phấn đấu hơn chứ không phải chỉ cần vào biên chế là xong được. Thế nên nó cho con người ta nhiều động lực và trách nhiệm hơn trong công việc.
– PV: Vậy quá trình công tác của thầy tại trường diễn ra thế nào ạ ?
– Thầy Cẩm: Thầy bắt đầu làm việc ở trường từ năm ’94, khi trường chuyển sáng hệ Đại học. Lúc đó thầy Mùi đang làm hiệu trưởng còn thầy đang làm việc ở một công ty máy tính. Thầy được nhà trường mời về giảng dạy với tư cách là cán bộ được mời, được trả lương ở mức một người cố vấn vì chưa trở thành giảng viên của trường và thầy vẫn tiếp tục làm việc cho công ty máy tính. Cho đến năm ‘96 thầy mới thực sự trở thành giảng viên của trường nhưng là giảng viên mời chứ không phải giảng viên cơ hữu của trường đến tận bây giờ.
– PV: Trong 10 năm công tác tại trường, hẳn là thầy có rất nhiều kỉ niệm về trường, thầy có thể kể kỉ niệm nào mà thầy nhớ nhất không ạ ?
– Thầy Cẩm: Kỉ niêm thì nhiều nhưng nhớ nhất có lẽ là những ngày tháng đầu tiên thầy về trường. Ngày đó trường mở một phòng máy tại nhà thầy Lựu, trên đường Nguyễn Công Hoan. Thầy cùng 4 – 5 anh sinh viên khoa Toán Tin từ những khoá 5 khoá 6 có nhiệm vụ chở về đó 24 máy của nhà trường. Tuy nhiên trong 24 máy đó thì có đến 20 máy hỏng. Sau nhiều ngày sửa chữa thì cuối cùng thầy và các anh ý cứu được 21 máy và lập phòng máy tính đầu tiên của trường Thăng Long.
– PV: Quả là những kỉ niệm rất đáng nhớ về những năm tháng đầu còn nhiều khó khăn của nhà trường ạ. Vậy sau nhiều năm công tác tại trường, thầy tâm huyết nhất điều gì ạ ?
– Thầy Cẩm: Thầy cùng các thầy cô trong trường rất muốn đẩy mạnh sự phát triển của trường, trở thành một trường tiêu chuẩn mới của Việt Nam và luôn nuôi ước mong sẽ đưa Thăng Long trở thành một Harvard của Việt Nam. Năm ’99 thầy và thầy Phú, cô Nguyên cùng một cán bộ bên thư viện đã sáng Bangkok thăm trường ĐHDL đầu tiên của Thái Lan. Trường đó ra đời được khoảng 30 năm. Mặc dù là ra đời trong hoàn cảnh chung của châu Á là còn lạc hậu về công nghệ thông tin nhưng trường đó đã sản sinh ra hầu hết các Admin của các mạng chính trên toàn Thái Lan. Trường năm trong khuôn viên hơn 1.000 m2 với một thư viện hiện đại 10 tầng. Học phí của trường vào khoảng 7.000 USD/năm. Giáo viên thì 2/3 là người Mỹ và Châu Âu, 1/3 là giáo viên Thái. Trường đó là trường nổi tiếng nhất và chất lượng nhất của Thái Lan. Trường ta nếu được tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng thì hoàn toàn có thể trở thành trường ĐH tốt nhất Việt Nam, và trong tương lai rất có thể là trường tốt nhất Châu Á.
– PV: Vừa rồi em được nghe thầy nói rất nhiều về trường Thăng Long ạ. Còn về sinh viên Thăng Long thì sao, thưa thầy ? Thầy có so sánh gì giữa sinh viên thời nay với sinh viên ở thời đại của thầy không ạ ? Ví dụ như về lý tưởng sống của sinh viên giữa 2 thời đại ạ ?
– Thầy Cẩm: Nhìn chung thì sinh viên ở thời đại nào cũng giống nhau cả thôi. Nếu có khác thì chỉ khác đôi chút ở hoàn cảnh sống. Ở thời đại của thầy, sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung, được giáo dục rằng việc đi nghĩa vụ quân sự, lên đường cầm sung bảo vệ Tổ quốc là một vinh dự. Vì thế hầu hết thanh niên đều xung phong ra mặt trận và cảm thấy tự hào khi mình được đứng trong hang ngũ những người lính, mang trên vai nghĩa vụ cao cả là bảo vệ Tổ quốc. Thế nên dù biết ra trận là đi vào chỗ chết nhưng vẫn cảm thấy rất nhẹ nhàng, đơn giản, sống cuộc sống của bộ đội cũng thấy rất lãng mạn, yêu đời. Chứ thực ra nói về lý tưởng cũng chẳng có lý tưởng cao xa gì cả. Chỉ nghĩ rằng sau này chiến thắng trở về thì được chào đón trong niềm tự hào của người thân. Đó là tâm tư của những người lính. Còn là những sinh viên, ai cũng mong muốn trở thành trò giỏi, học giỏi, sau này được làm giáo viên thì dạy giỏi. Thầy cũng vậy, chỉ có một mơ ước cháy bỏng là học hành đàng hoàng, trở thành nhà Toán học vì thầy học khoa Toán Cơ, sau này góp sức xây dựng đất nước. Do đó, sau khi được phục viên, mặc dù tham mưu trưởng đề nghị thầy học sĩ quan nhưng thầy vẫn quyết tâm theo đuổi mơ ước của mình và quyết định trở về trường học lại.
– PV: Em được biết thầy từng là người lính và thầy cũng vừa nói về lý tưởng của những người lính. Có thể nói quãng thời gian thầy đi bộ đội là quãng thời gian không thể quên được đúng không ạ ? Thế thì hẳn là những kỷ niệm về quãng thời gian đó thầy cũng nhớ rất rõ chứ ạ ?
– Thầy Cẩm: Ừ, nhớ thì rất nhớ nhưng có lẽ nếu bảo kể ra thì không nên kể. Bởi ai cũng biết chiến tranh là rất tàn khốc. Nếu kể về những chuyện giết choc trong những chiến dịch, những trận càn thì nó quá kinh khủng và không ai muốn nhớ lại làm gì. Chỉ có những chuyện vui, những kỷ niệm vui thì có lẽ là kể được. Ví dụ như trong một trận càn của lính ngụy, khi đó thầy là lính rocket, fải đi chốt với bộ binh ở Quảng Trị, bọn chúng càn quét dữ quá, thầy cầm khẩu DKZ82 bắn không lại được nên phải chạy vào rừng tre với rất nhiều thứ lỉnh kỉnh mang theo trên người. Thầy vẫn nhớ là khi chạy vào thì chỉ mất khoảng 20 phút thôi nhưng khi tìm đường để ra khỏi rừng tre đó thì phải mất đến 3 tiếng. Đó là một trong những kỉ niệm vui vui mà khi kể lại nó không làm cho ta thấy nhức nhối hay kinh hoàng trước những kí ức.
– PV: Vâng, có lẽ thế. Nỗi đau nào đã qua, vết thương nào đã lành thì có lẽ không nên khơi lại làm gì nữa. Nhưng còn những vết tích của chiến tranh thì sao ạ ? Nó có làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của thầy không ạ ?
– Thầy Cẩm: Cũng có một chút. Thầy từng bị thương ở đầu. Với thương tật đó thì chưa đủ để được chứng nhận là thương binh nhưng nó cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của thầy. Ví dụ như là từ hồi đó thầy luôn thấy sợ máu và những thứ có màu đỏ. Nhìn thấy những thứ đó là thầy bị choáng. Tất nhiên những điều đó thì cũng không nghiêm trọng lắm nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của thầy.
– PV: Có nghĩa là trong bài giảng của thầy không bao giờ thầy dùng phấn đỏ và sinh viên thì cũng không nên dùng phấn đỏ trong giờ học của thầy đúng không ạ /
– Thầy Cẩm: (Cười)
– PV: Vậy nhân dịp kỷ niệm 17 năm thành lập trường, thầy có điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên trong trường không ạ ?
– Thầy Cẩm: Nhắn nhủ thì cũng chẳng có gì nhiều. Thật ra thì như bao giáo viên khác, thầy cũng chỉ mong các em học hành thành tài, sau này làm giàu cho gia đình, cho bản thân và cho đất nước. Trường Thăng Long là một trường rất tốt. Thầy từng ở trong các trường công lập, kể cả trường quân sự nhưng thầy thấy rằng môi trường ở Thăng Long là một môi trường rất thoáng, rất mở, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển mọi mặt. Thầy cũng từng sống ở Châu Âu và thấy rằng phương pháp giảng dạy và quản lý của Thăng Long được xây dựng theo mô hình của Châu Âu nên rất tân tiến, giúp sinh viên tự lập hơn. Tất nhiên ở đâu cũng không thể tránh khỏi một vài hiện tượng chưa tốt. Nhưng nhìn tổng thể thì Thăng Long có môi trường rất tốt. Ví dụ như chuyện mua bán, xin xỏ điểm là tuyệt đối không có. Đó là điểm hơn của Thăng Long. Ngoài ra các em có thể tự do chọn lựa cách học, cách phấn đấu mà không bị gò ép. Dù còn nhiều bức xúc trong đội ngũ cán bộ nhưng nó không đáng kể để quy kết rằng Thăng Long có nhiều hiện tượng tiêu cực. Vì thế các em hãy luôn cố gắng nhìn vào cái tổng thể để đánh giá khách quan và phấn đấu hơn nữa trong học tập vì chính các em và tương lai của các em.
– PV: Vâng, thay mặt sinh viên Thăng Long em xin tiếp thu lời thầy. Và em rất cảm ơn thầy đã dành thời gian trò chuyện với em, đại diện cho tiếng nói của sinh viên Thăng Long.

Sau gần một tiếng đồng hồ trò chuyện với thầy, mặc dù đây là lần đầu tiên tiếp xúc với thầy nhưng bao trùm cuộc trò chuyện là không khí rất gần gũi như thể tôi đang nói chuyện với một người thầy đã biết từ lâu rồi. Có lẽ bởi những tâm sự rất thật, rất chân thành và mộc mạc của thầy. Mong rằng cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên sẽ phần nào giúp các bạn hiểu thêm về thầy, một trong những thầy cô được sinh viên yêu kính và cũng là một trong những người mang nhiều trăn trở nhất về bước đường phát triển của trường Thăng Long.

Tin đăng bởi: , Đã có: 3.861 lượt đọc

Tags:

Leave a comment