Gần 10 tháng nay, chiếc điện thoại cố định nhà chị Vân ở Tây Sơn, Hà Nội nằm thu mình trong tủ. Đường dây hỏng, chị không sửa mà cũng chẳng báo cắt. Mỗi tháng chị đóng cước thuê bao hơn 20.000 đồng.
Nhà chị Vân có 4 người tất cả nhưng lại có tới 6 cái điện thoại di động. Hai vợ chồng chị mỗi người một cặp. Cậu con trai một chiếc cùng với 4 sim di động, cô gái út cũng vừa tậu một chiếc dùng sim Beeline “tám chuyện” với bạn bè suốt ngày. Mọi người tíu tít với “dế” nên chẳng còn ai bận tâm đến chiếc máy để bàn gắn bó với gia đình gần 8 năm nay.
“Lâu lâu, anh em bạn bè gọi điện đến nhà bằng máy bàn không được thì nghiễm nhiên quay số di động. Mãi thành quen, sau này hầu như chẳng còn ai gọi điện đến số cố định nữa”, chị Vân nói. Dải số thuê bao cố định “tứ quý tám 8888” nhà chị bị xếp vào dạng thuê bao ít phát sinh cuộc gọi và chỉ chờ ngày chủ nhà báo cắt.
![]() Điện thoại cố định đang ngày càng bị di động lấn át. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tháng 8 vừa qua, gia đình chị Bình ở Kim Liên, Hà Nội cũng đến bưu điện làm thủ tục cắt số cố định sau 4 tháng không phát sinh cuộc gọi mà vẫn đều đều đóng phí thuê bao tháng. Hai anh chị đi làm cả ngày, con cái đi học, tối đến cả nhà mới quây quần, điện thoại bàn gần như trở thành của thừa. Ai có việc gì gấp đều dùng di động. Một lý do khá tế nhị khiến chị Bình phải nói lời chia tay sau 5 năm gắn bó là nạn quấy rối, cứ 12 giờ đêm là điện thoại kêu. “Nếu như là di động mình có thể biết số máy gọi tới ở đâu nhưng vì là điện thoại cố định nên đành chịu. Mãi không chấp nhận nổi, tức mình thì cắt”, chị Bình nói.
Anh Quang, một nhân viên ngành tin học, lý giải về chuyện anh cho chiếc điện thoại cố định không dây nhà mình… nghỉ khỏe là vì cước phát sinh trong tháng cao và tốn kém hơn việc dùng di động. Hiện 1 phút gọi cố định vào khoảng 400 đồng, trong khi di động bình quân trên 1.000 đồng một phút. Và nếu tính theo các chương trình khuyến mãi thì giá cước chỉ còn khoảng trên 700 đồng, chưa kể cuộc gọi di động lại chỉ tính theo blog 6 giây+1.
Vài năm trở lại đây, thị trường viễn thông tiếp tục chứng kiến cuộc đua tranh của các nhà cung cấp dịch vụ di động với tốc độ cao được coi là chưa từng có. Trong khi đó, thị trường điện thoại cố định vẫn diễn biến khá trầm lắng. Không chỉ doanh nghiệp mới mà ngay cả VNPT với bề dày truyền thống đi “mở mạng” vẫn triển khai một cách ì ạch.
Theo báo cáo của của các nhà cung cấp dịch vụ, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại cố định chỉ đạt 4-6%, trong khi mảng di động vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 27-51%, doanh thu cũng ở mức tương đương. Điện thoại cố định đang đứng trước nhiều sức ép như chi phí đầu tư ban đầu quá cao, các gói cước di động không giới hạn về thời gian nghe và nhận cuộc gọi như Forever của S-Fone, Tomato, Ciao… của Viettel và Vina360, Mobi360…
Để lắp đặt một đường điện thoại cố định, khách hàng phải ký hợp đồng và mất rất nhiều công chờ đợi. Khi đường dây bị hỏng, việc gọi thợ sữa chữa cũng gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Trong khi với 7 nhà khai thác di động hiện nay, khách hàng chỉ cần bỏ 50.000 đồng đã có thể sở hữu một thuê bao di động với cả trăm nghìn đồng đã có sẵn trong tài khoản. Còn để đăng ký một máy cố định, số tiền ban đầu cao gấp từ 5 đến 10 lần.
Do tốc độ phát triển chậm mà đầu tư lại tốn kém, nên mấy năm trở lại đây, bản thân các nhà khai thác dịch vụ cũng không mấy mặn mà trong việc mở rộng mạng lưới. Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cố định lớn nhẩm tính tại thời điểm năm 2007, đầu tư cho một thuê bao di động hiện chỉ mất khoảng 30-40 USD. Trong khi đó, để có một thuê bao cố định, nhà cung cấp phải mất khoảng 2,2-2,5 triệu đồng, tương đương với 150 USD, tính theo tỷ giá bấy giờ. Thời điểm hiện tại, dù doanh nghiệp đã khấu hao thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng, song chi phí đầu tư vẫn được coi là khá tốn kém so với dịch vụ di động.
Để cứu điện thoại cố định trước nguy cơ “về hưu non”, hôm 18/8, Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố phát động giải thưởng công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2009 (Vietnam ICT Awards 2009). Đây là lần thứ 2, cơ quan này đứng ra làm trọng tài bình chọn các nhà cung cấp dịch vụ di động, Internet… xuất sắc của năm. Điểm khác biệt trong giải thưởng năm 2009 có sự xuất hiện của giải thưởng dành riêng cho lĩnh vực điện thoại cố định.
Vụ trưởng Vụ Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông – Phạm Hồng Hải lý giải sở dĩ Ban tổ chức quyết định bổ sung thêm giải thưởng cho lĩnh vực điện thoại cố định là vì dịch vụ này đang quá trầm lắng và bị lĩnh vực di động lấn át. Bản thân các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà đầu tư vì chi phí tốn kém mà doanh thu không nhiều.
Theo số liệu từ Tổng cục Thông kê, trong 7 tháng đầu năm 2009, cả nước phát triển được 24 triệu thuê bao điện thoại, trong đó 22,8 triệu thuê bao di động, còn lại là cố định. Tuy nhiên, thuê bao cố định có dây chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, còn chủ yếu là điện thoại cố định không dây. Tính đến cuối tháng 7, cả nước có 102,6 triệu điện thoại, trong đó, 90 triệu thuê bao di động, còn lại là điện thoại cố định. |
Bài viết liên quan:
Tin đăng bởi: Popeye, Đã có: 2.299 lượt đọc